Thật xin lỗi khi bài viết này không dành cho những ai bài xích đám đông, hay đơn thuần phán xét một người chọn ở trong, hay ngoài vòng náo nhiệt. Mọi sở thích đều cần được tôn trọng, mọi lễ hội đều hướng đến lan tỏa những điều tích cực. Vậy nên việc cần làm đầu tiên chính là nhận thức an toàn, trang bị kiến thức bảo vệ bản thân, đặc biệt trước những đám đông tấp nập, luôn là cách tốt nhất để mọi cuộc vui trở nên trọn vẹn.
1. Sức hút khó cưỡng của những khu vực đông đúc trong mùa lễ hội
Tiêu điểm náo nhiệt và rực rỡ – không thể phủ nhận sức hút mà những nơi đông người mang lại trong bất kỳ một chuyến đi nào. Đó có thể là một lễ hội rực rỡ sắc màu, một địa danh nổi tiếng, một buổi trình diễn sôi động hay một biểu tượng check-in huyền thoại của thành phố nào đó,… Những người tìm đến nó, không hẹn mà gặp đều cùng chung sự phấn khích, khấp khởi khi được chiêm ngưỡng, tận hưởng không khí náo nức khác lạ mà không phải ngày bình thường nào cũng có. Chúng thắp nên những niềm vui, lan tỏa những phấn chấn tuyệt vời, dù là giữa những người xa lạ!
Và để mỗi mùa lễ hội diễn ra thật vẹn tròn, thoải mái, điều chúng ta cần làm chính là bảo vệ niềm vui chung ấy, trong chính ý thức riêng của mỗi người! Đó là lý do để bạn cần hiểu và trang bị sẵn những kiến thức sinh tồn, kỹ năng giải quyết tình huống nơi đông người để mỗi chuyến đi luôn an tâm và an toàn.
Mong rằng những kinh nghiệm hữu ích được D&D Home thu nhập để phòng ngừa bất trắc trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được những chuyến đi vui và mỹ mãn nhất!
2. Những tình huống rắc rối và bí kíp du lịch an toàn giữa đám đông
2.1 Chen lấn, xô đẩy dẫn đến giẫm đạp
Thảm kịch giẫm đạp đầy ám ảnh cướp đi sinh mạng của hơn 150 người tại phố Itaewon, Seoul (Hàn Quốc) đã trở thành một trong những sự cố đám đông tồi tệ nhất giữa thời hiện đại. Nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại về người đó là việc ngạt thở. Vậy bí kíp sinh tồn ở đây là gì?
Thông tin tổng hợp trên trang Washington Post cho thấy, việc đầu tiên cần làm chính là nhận biết những dấu hiệu và đánh giá mức độ diễn biến phức tạp của đám đông. Một đám đông đang di chuyển đều bỗng dưng ngừng lại, đó là dấu hiệu cho thấy mật độ đang tăng lên. Lúc này việc lắng nghe đám đông là rất quan trọng. Nếu bạn nghe thấy những lời phàn nàn khó chịu và những tiếng kêu vang đau đớn, tức mọi thứ đã bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát. Đây là thời điểm quyết định để tìm lối thoát. Một số người thoát thân sớm tại sự kiện ở Seoul cho biết, họ cảm giác như tình hình đang trở nên không an toàn và kịp thời bỏ đi.
Vậy nếu đang mắc kẹt giữa đám đông thì sao? Một khi đám đông ngừng di chuyển, ưu tiên của bạn là đứng yên, giữ cho cánh tay không bị kẹp, bảo vệ ngực và bảo tồn oxy. Để đứng vững, bạn cần gồng mình nhưng cũng phải di chuyển theo đám đông hơn là chống đẩy. Lúc này, đám đông dày đặc có thể tăng vọt, gợn sóng và di chuyển theo từng đợt. Martyn Amos, một chuyên gia về khoa học đám đông kiêm Giáo sư Khoa học máy tính và thông tin tại Đại học Northumbria đưa ra lời khuyên “đi theo dòng chảy”: “Bạn có khả năng chống lại dòng chảy hoặc áp lực của đám đông, nhưng bạn không có khả năng chiến thắng được số đông áp đảo”.
Đại diện Paul Wertheimer của Crowd Management Strategies, một dịch vụ tư vấn về an toàn đám đông ở Los Angeles đã hướng dẫn: giữ chân của bạn ở tư thế võ sĩ quyền Anh, hai chân tách ra, đặt chân trước chân kia và đầu gối hơi cong. Lúc này, bạn cần ở trạng thái sẵn sàng xử lý tình huống hơn bao giờ hết.
Một khi đám đông trở nên quá dày đặc, tay của bạn có thể bị kẹp vào bên hông. Lúc này hãy cố gắng dùng tay thuận để nắm lấy cẳng tay đối diện của bạn, điều này tạo ra một loại lá chắn trước ngực với khuỷu tay của bạn làm thanh nẹp chống lại các tác động khác. Nó sẽ giúp bảo vệ ngực và duy trì một vùng thở. Đồng thời nếu có một chiếc ba lô, hãy nhanh trí xoay nó về phía trước qua ngực.
Phần lớn do những tạng người thấp có nguy cơ bị hạn chế oxy cao hơn những người cao. Vậy nên, đừng đưa trẻ em vào đám đông, nhưng nếu điều đó xảy ra, hãy đặt trẻ lên vai, hoặc bế để trẻ quấn chân quanh eo bạn. Đừng cố kéo chúng bằng cánh tay.
Một điều đáng chú ý khác chính là việc la hét chỉ gây nên sự lãng phí năng lượng và oxy. Các chuyên gia cho rằng hầu hết những đám đông sinh tồn đều tương đối yên lặng vì mọi người đều có ý thức cố gắng giúp đỡ lẫn nhau. Điều bạn cần làm lúc này là giữ bình tĩnh và ngẩng cao đầu để có không khí tối đa, thay vì tiếp tục chen lấn, gào thét và làm tình hình càng tệ đi.
Nếu bạn vô tình đánh rơi điện thoại hoặc bất kỳ vật dụng nào khác, hãy… mặc kệ. Vì sau khi cúi xuống để nhặt một thứ gì đó, bạn khó có thể quay lại tư thế ban đầu. Nếu bạn bị ngã hoặc vấp ngã, hãy cố gắng hết sức để đứng dậy, nhưng nếu không thể, nguyên tắc sinh tồn lúc này chính là cuộn người vào tư thế bào thai, nằm nghiêng bên trái và bảo vệ đầu của bạn. Nên nhớ rằng bạn dễ bị tổn thương nhất nếu nằm ngửa hoặc nằm sấp.
2.2 Nạn trà trộn móc túi, trộm cắp
Không phải nơi đâu cũng được trang bị an ninh tốt, thậm chí trong trường hợp đã được bố trí nghiêm ngặt, nguy cơ bị móc túi, cướp giật vẫn có thể xảy ra khi bạn thiếu đề phòng. Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần làm khi đến một địa điểm lạ là tìm hiểu trước vị trí, tập tính và những review kinh nghiệm du lịch (nếu có) về khu vực đó để đỡ bỡ ngỡ và không trở thành những “con mồi ngon” hay “tấm chiếu mới – chưa từng trải” trong mắt kẻ gian.
Tinh gọn đồ dùng cá nhân mang theo bên người; tối kỵ việc cả tin, nhờ người lạ trông giúp hành lý; dùng túi chắc chắn và không để đồ phía sau khuất tầm mắt; luôn chú ý quan sát những va chạm thân thể,… sẽ là bí kíp hữu ích giúp bạn tránh được nạn mất cắp giữa đám đông. Ngoài ra, cần hạn chế việc mở ba lô, túi xách thường xuyên vì chúng vừa khiến bạn khó kiểm soát tình hình khi phân tâm tìm kiếm đồ đạc lộn xộn trong túi, vừa là cơ hội để kẻ gian được dịp quan sát, “định vị” con mồi.
Dây túi xách được rút ngắn vừa gọn tầm tay cũng sẽ giúp bạn tránh được việc bị giật đồ. Và nhớ tắt chế độ “não cá vàng” khi đi ăn để không bỏ quên đồ đạc cá nhân ở chỗ ngồi khi rời đi bạn nhé!
2.3 Lạc đường hay lạc đoàn đi chung
Khi du lịch ở một địa điểm mới, đặc biệt là nước ngoài, việc không thông thạo đường xá là khó tránh khỏi. Vậy nên một tấm bản đồ, chiếc điện thoại đầy pin có hỗ trợ GPS, 3G,… là những vật dụng “cứu tinh” luôn cần mang bên mình. Đừng quên cẩn thận ghi chú lại số điện thoại, địa chỉ hoặc namecard của khách sạn làm thông tin tra cứu, cũng như chú ý các cột mốc gần nơi lưu trú như nhà thờ, quảng trường, nhà ga,… để tiện tìm chỉ dẫn khi lạc đường.
Trong trường hợp lạc đường, điều quan trọng là bạn cần giữ thái độ bình tĩnh, tránh cuống quýt, lo sợ vì vẻ ngoài rụt rè sẽ khiến kẻ gian sớm “bắt sóng” để quấy rầy. Tình huống này, bạn có thể hỏi đường người bản địa hoặc tháp tùng vào những đoàn du khách để nhờ hướng dẫn viên chỉ dẫn. Vì đây là nhóm biết rõ địa hình khu vực, hoặc có kỹ năng về diễn đạt ngoại ngữ giúp bạn gỡ rối vấn đề. Nếu không tìm kiếm được sự trợ giúp từ mọi người xung quanh, bạn có thể nhanh chân vào một cửa hàng ven đường, mua một món đồ nhỏ và hỏi nhờ đường.
Đừng quên liên lạc khẩn cấp với bạn đồng hành để xác định vị trí đối phương. Ở cự ly gần, các bên có thể đưa tín hiệu bằng hành động để định vị nhau như: giơ tay cao, giơ vật dụng nổi bật dễ thấy,… cũng như mô tả vị trí đang đứng bằng những đặc điểm dễ nhận biết.
2.4 Người lạ chèo kéo, mời mọc khiếm nhã
Ngoài mục đích tích cực đơn thuần như giới thiệu sản phẩm, tương tác giữa cửa hàng với người qua đường, những địa điểm tụ tập đông người còn là nơi hành nghề lý tưởng của những kẻ chuyên chèo kéo du khách với nhiều mục đích khác nhau. Đó có thể là dân môi giới vé chợ đen trước những buổi biểu diễn lớn, mời mọc thô tục ở hội chợ đông người, hay những lời nài nỉ dai dẳng để bán cho-bằng-được một món hàng/ dịch vụ nào đó (chắc chắn là với giá “cắt cổ”),…
Ngay cả khi bạn thật sự có nhã hứng với những lời chào mời, hãy thận trọng quan sát người bán có dấu hiệu khả nghi nào không, ví dụ: đi cùng đồng bọn, không mang theo món hàng trên tay mà chỉ mời miệng,… Tuyệt đối không nên nghe theo lời dẫn dụ vào những ngõ vắng, ngoằn ngoèo vì bạn có thể sẽ bị cô lập trước một nhóm lừa bịp.
Khi gặp phải tình huống bị mời mọc gượng ép, điều bạn cần làm lúc này là giữ kỹ 2 thứ: sự bình tĩnh và khoảng cách an toàn. Lịch sự từ chối và nhanh chóng rời khỏi vị trí bị chèo kéo luôn là cách đầu tiên tránh rắc rối. Ngoài ra, bạn nên hạn chế trò chuyện lâu hơn để tránh việc dàn cảnh gây hiểu lầm. Tối kỵ những tiếp xúc, va chạm cơ thể, tay chân với người lạ nhằm đảm bảo an toàn khỏi bạo lực hoặc chất kích thích tạo ảo giác nếu có.
3. Ý thức và kiến thức – chìa khóa sống còn cứu vớt nguồn cơn mọi rắc rối đám đông
Sự hỗn loạn của đám đông có thể xuất phát từ nhiều lý do khách quan, nhưng bình ổn được hay không còn dựa vào ý thức tự chủ của mỗi người góp mặt trong đó. Sự cẩn trọng, hiểu biết, tinh thần tham gia vui chơi văn minh, ý thức không tranh giành, xô đẩy luôn là chìa khóa sống còn dập tắt mọi cơ hội phát sinh rắc rối.
Kể cả trong tình huống xấu nhất, hãy trang bị cho mình những kỹ năng sơ cấp cứu để có thể giải cứu bản thân và những người xung quanh. Chuẩn bị một đôi giày chắc chắn để hỗ trợ chân trụ vững giữa đám đông; sẵn sàng trên tay một tấm bản đồ đã được ghi chú rõ những đường dẫn quan trọng khi lạc; nghiên cứu, tham khảo những hướng dẫn hồi sức tim phổi, hô hấp nhân tạo khi cần thiết,… tất cả sẽ đều là hướng “exit” cứu cánh, mà bạn phải thầm cảm ơn bản thân vì đã có hiểu biết trong một thời khắc nào đó.
Để mỗi chuyến đi trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết, D&D Home mong rằng những thông tin hữu ích trên có thể là hành trang du lịch giúp bạn “dằn túi” trong những trường hợp cần thiết.